Linh đạo La San là gì ?
Ở khởi điểm, có một con người được Thiên Chúa tác động, làm cho quan tâm tới cảnh khốn cùng nhân bản và thiêng liêng của “con em thợ thuyền và người nghèo”… Con người ấy đã “hiến mình đào tạo những thầy giáo, biết hết mình xả thân cho công cuộc mở mang học vấn và giáo dục Kitô …”, người “đã quy tụ các thầy thành cộng đoàn…” (luật 1).
Chúng ta có một lời giới thiệu đầy đủ, xúc tích về đoàn sủng và sứ mạng La San. Được Thiên Chúa tác động, Thiên Chúa lấy sáng kiến, Người gọi Gioan La San, Người gọi vì Người có ý định yêu thương trên đám con em thợ thuyền và người nghèo… Gioan La San đã nghe được tiếng gọi, đã bằng lòng để Chúa dùng mình, đã hiến dâng cho việc đào tạo các thầy và liên kết họ thành cộng đoàn và chung sống với họ.
Cách mà nhóm đã sống “để trung thành với tiếng gọi và đặc sủng” (luật 2), để thực hiện sứ mạng, đó chính là con đường La San, con đường thiêng liêng La San, không phải con đường đạo đức La San (La San đọc kinh gì ? khổ chế ra sao ? có những việc tôn sùng (dévotions) nào ?…) mà là con đường mà Chúa Thánh Thần muốn Gioan La San và các môn đệ đi theo để đáp trả “charisme” và thực hiện “mission”.
Tôi thử ghi lại vài nét của linh đạo La San, của con đường Chúa Thánh Thần “linh hứng”, như đã được chính Cha Gioan La San nhận ra, trong các bài Nguyện gẫm Ngài soạn ra cho các môn đệ.
- Sư huynh chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Kitô, Đấng được Cha sai tới cứu độ chúng ta bằng cách ban cho ta Thần khí của Ngài, nhờ Thần khí mà chúng ta nhận ra được ý định của Thiên Chúa.
“Thiên Chúa đã yêu thương những kẻ Ngài đã tạo dựng, đến nỗi thấy chúng đi vào con đường tội lỗi và không có phương tiện ra khỏi được, lòng yêu thương muốn cứu chúng ta của Ngài đã làm Ngài sao chính Con Một của Ngài xuống trần để cứu chúng khỏi tình trạng nguy khốn đó” (Suy niệm tuần tĩnh tâm 9/3).
- Sư huynh chiêm ngưỡng tình thương ân cần của Thiên Chúa, Ngài muốn mọi người được cứu rỗi và Ngài cung cấp các phương tiện. Vì vậy mà có những kẻ được gọi… được sai đi…
“Không những Thiên Chúa muốn cho mọi người biết được chân lý mà còn muốn chúng được cứu độ – và Ngài không thể muốn thực sự nếu Ngài không cho chúng các phương tiện và tất nhiên, nếu không cho con trẻ, các thầy dạy, góp phần thực hiện ý định cứu độ của Ngài đối với chúng” (SNTTT 1/3).
- Sư huynh ý thức được có những đứa trẻ không được giáo dục, xa ơn cứu độ và Chúa muốn trao chúng cho Sư huynh
“Anh em hãy lưu ý : những thợ thuyền và những người nghèo thường để mặc con cái họ sống tự do như những trẻ đi hoang, sống nơi đầu đường xó chợ, trong khi chúng chưa có thể được dùng vào một công việc nào cả” (SNTTT 2/1).
- Sư huynh dâng hiến mình cho Cha để thực hiện ý định cứu rỗi của Cha, để lo việc Cha
“Anh em hãy thán phục lòng nhân hậu của Thiên Chúa, Ngài lo lắng cho mọi nhu cầu của thọ tạo. Ngài lấy các phương tiện để cho con người nhận biết sự thiện đích thật, đó là sự thiện liên quan tới việc rỗi linh hồn. Anh em hãy hiến dâng mình cho Ngài để giúp cho các con trẻ được trao phó cho anh em, đạt được điều đó, như Ngài đòi hỏi anh em” (SNTTT 5/1).
- Sư huynh có một quan hệ mới với Chúa, với học sinh nhờ có Thần khí nơi mình.
“Anh em làm một công việc, buộc anh em phải đánh động lòng kẻ khác, anh em chỉ có thể làm được như vậy nếu có Thánh Thần của Thiên Chúa : anh em hãy xin Ngài ban cho anh em hôm nay, ơn Ngài đã ban cho các Thánh tông đồ và sau khi đổ tràn trên anh em Thần khí của Ngài để thánh hóa anh em. Ngài cũng ban Thần khí cho anh em để anh em đem lại ơn cứu độ cho người khác” (SN 43/3).
- Sư huynh trong cách đối xử với người trẻ, sẽ cho chúng thấy được Thiên Chúa thương yêu. Sư huynh phải là một dấu chứng cho Thiên Chúa, dấu chứng thấy được, tin được :
“Anh em phải nhìn các con trẻ mà anh em phải dạy dỗ như những kẻ mồ côi, nghèo khổ, bị bỏ rơi… vì lẽ đó, Thiên Chúa đã đặt chúng như thể dưới sự giám hộ của anh em. Ngài thương xót chúng và lo lắng cho chúng như Đấng Bảo trợ chúng, chỗ chúng nương tựa, Cha của chúng. Và Ngài đã ủy thác cho anh em việc chăm sóc đó” (SN 37/3).
- Sư huynh chiêm ngưỡng tác động của Chúa Thánh Thần trong đời mình, trong đời sống người trẻ – mà cảm tạ, ngợi khen Chúa.
“Hãy cảm tạ Thiên Chúa về ơn Ngài đã ban cho anh em trong công việc của anh em, đó là thông phần vào thừa tác vụ các thánh tông đồ và các giám mục là chủ chiên trong Hội thánh” (SNTTT 7/3).
Trên đây là lược qua một số thái độ sống của Sư huynh La San. Chúng ta lưu ý : chiêm ngưỡng, ý thức, dâng hiến, có một quan hệ mới, một cách đối xử khác, trở nên dấu chỉ, cảm tạ, ngợi khen… tất cả đan kết với nhau làm nên cuộc sống của Sư huynh, một cuộc sống duy nhất, thu hút bởi Thiên Chúa, bởi ý định thương yêu của Ngài, bởi sự “bức xúc” trước cảnh những con trẻ bị bỏ rơi, không được giáo dục, xa ơn cứu độ và bởi quyết tâm “cùng chung và liên kết” với một số anh em khác, để lo việc Chúa, để lo cho giới trẻ. Sư huynh : một con người của Thiên Chúa, một con người cho giới trẻ.
Nhưng để có được thái độ sống đó thì phải có cái nhìn nào ? có sự bén nhạy với những giá trị nào ? có chí hướng nào ? Không phải không có lý do mà Thánh Gioan La San đã chỉ cho thấy “Tinh thần Dòng là tinh thần đức tin” và đây là “điều mà người ta phải quan tâm nhất trong một cộng đoàn… các tập sinh phải tập… những ai đã gia nhập trên hết, phải lo duy trì và phát huy… vì chính tinh thần này phải linh hoạt mọi việc làm của họ và điều động toàn bộ sinh hoạt của họ”. Và tinh thần đức tin là “chỉ nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin – chỉ tìm mọi sự vì Chúa – chỉ quy mọi sự về Chúa”. Thánh Lập Dòng nói “tinh thần đức tin” tức một đức tin, không ngừng lại ở kiến thức (biết phải tin gì), ở ưng thuận (bằng lòng tin như vậy) mà còn đi tới chỗ sống, diễn tả đức tin trong hành động. Thư cho người Do thái trình bày Chúa Giêsu như “Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. Chính Người đã tin vào Cha, đã sống cho Cha, đã vâng phục Cha với một tình yêu tuyệt đối, vô điều kiện. Đoàn sủng La San, sứ mạng La San, đời sống La San đòi hỏi một đức tin như thế, đòi hỏi tinh thần đức tin. Linh đạo La San bao trùm toàn bộ con người và cuộc sống của Sư huynh, tất cả được hội nhập vào một cách nhìn và một chí hướng sống, mà động lực chính là tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh em. Có người hỏi : Chúa dạy phải cầu nguyện liên lỉ, mà làm sao cầu nguyện liên lỉ ? Tôi không nhớ vị giáo phụ nào đã trả lời : “Người ta cầu nguyện liên lỉ khi lòng người ta không ngủ, vẫn thức”. Sống với Chúa hiện diện, sống với Chúa, sống cho anh em, một cách ý thức, một cách quảng đại, đó là cầu nguyện. Những cái khác sẽ chỉ là những cách diễn tả hay những phương tiện phát huy, củng cố đời sống cầu nguyện.
Sh. Lucien Hoàng gia Quảng